Thứ Ba, 22 tháng 1, 2019

Câu chuyện về ổ bánh mì đầy thú vị

Chiếc bánh mì giòn rụm thơm phức là món ăn quen thuộc suốt nhiều thập kỷ, gắn bó với nhiều thế hệ người Việt. Từ sáng sớm đến đêm muộn, tiếng rao “bánh mì nóng giòn” thân thương đã trở thành một phần không thể thiếu trong hợp âm đô thị và văn hoá ẩm thực đường phố. Nhưng không phải ai cũng biết câu chuyện về nguồn gốc hay những biến tấu đa dạng của bánh mì trên khắp đất nước, đồng thời, thành phần nguyên liệu cũng như giá trị dinh dưỡng của món ăn này.

Cùng với cà phê và bia, bánh mì theo chân người Pháp du nhập vào Việt Nam những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ổ bánh mì baguette thon dài, đặc ruột, với vỏ bánh mềm, khi ấy được gọi là “bánh tây”, được dành riêng cho người nước ngoài. Bánh được cắt thành từng khúc nhỏ, bày trên đĩa cùng với bơ, patê, phô mai, và thịt nguội theo phong cách Pháp. 

Để phù hợp với điều kiện thời tiết và văn hóa, bánh mì hiện đại trở nên nhỏ và ngắn lại, vỏ được nướng giòn, ruột rỗng và xốp hơn. Bánh mì cũng được Việt hoá cách phục vụ để trở nên tiện lợi và bình dân hơn. Thay vì bày trên đĩa riêng rẽ, bánh mì được xẻ đôi rồi nhét các loại nhân thịt, thêm ít rau mùi và đồ chua. 

Bàn về sức hấp dẫn của ổ bánh mì bình dân, học giả Vương Hồng Sển có viết : “… tôi thèm nhứt là ổ bánh mì có nhét fromage, giá năm đồng […] mỗi ổ, dài cỡ một gang tay, bánh mập như ổ 20 bạc hiện thời […], cắt hai ra, […] nhét fromage gruyère tràn tới ngoài, thêm hai cọng hành lá xanh tươi…”. Chỉ đọc thôi là đã thấy thèm!

Theo thời gian, bánh mì trở nên phổ biến từ Bắc đến Nam, từ nông thôn tới thành thị. Nhưng mỗi địa phương, mỗi vùng miền lại có cách kết hợp bánh mì cùng nhiều loại nhân khác nhau.

Theo chân người Pháp vào Việt Nam, bánh mì đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực nước ta.
Ở Sài Gòn, cứ đi trăm mét là sẽ thấy một xe bánh mì thịt nguội hoặc bánh mì kẹp cá hộp, món ăn đặc trưng chỉ có ở đây. Người Hà Nội thường ăn bánh mì với các món sốt như bánh mì sốt vang, bánh mì chảo bít tết, bánh mì kẹp patê, xá xíu, ruốc, hoặc bánh mì kẹp giò chả, thêm dưa leo xẻ tư và chút rau mùi và rau củ ngâm giấm.

Riêng Hải Phòng hay Đà Nẵng còn nổi tiếng với bánh mì que. Đây là loại bánh mì nhỏ bằng 2 ngón tay, dài, được phết patê có chút mỡ béo ngậy bên trong, thêm sốt ớt bằm chưng với dầu ăn cay nồng đầu lưỡi.

Không chỉ quen thuộc với người Việt, bánh mì còn được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới. Tháng 2/2011, “banh mi” đã được chính thức đưa vào từ điển Oxford. Cùng với phở và áo dài, bánh mì là một trong ba từ Việt Nam có trong từ điển tiếng Anh nổi tiếng này.
Thời kỳ đầu, bột mì được nhập khẩu từ châu Âu để sản xuất baguette. Với giá thành nguyên liệu cao, việc thưởng thức bánh mì là một biểu tượng cho giai cấp và tầng lớp lúc bấy giờ. Sau này, với nguồn nguyên liệu dần phổ biến hơn, bánh mì cũng vì thế mà trở nên quen thuộc với người Việt. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét